Chuyện ngạc nhiên ở Phú Thọ: ‘Bác sĩ nhân tạo’ điều trị ung thư!
Kỳ 1: Những bệnh nhân của “bác sĩ ảo”
Cách đây hơn 10 năm, tôi có cả ngày ngồi trong căn phòng chung cư chật hẹp, cũ nát ở phố Phạm Ngọc Thạch, nói chuyện về những bí mật khủng khiếp của ung thư đang xảy ra với người Việt với GS.TS Phạm Thụy Liên, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam.
Khi đó, GS cũng đã rất già, bản thân ông cũng bị ung thư, nhưng ông vẫn từng ngày, từng giờ cống hiến trí tuệ cho xã hội. Ông đưa ra cảnh báo rất khủng khiếp, gây chấn động thời đó, rằng, chỉ 10 năm nữa, tức khoảng năm 2020, con số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam sẽ lên đến 300 ngàn người mắc mới, và chết 150 ngàn người mỗi năm. Mỗi năm chết lượng người bằng một huyện. Con số ông đưa ra thật kinh hãi!
Đã 10 năm trôi qua, con số người chết ung thư theo thống kê, có thể chưa đến số đó, hoặc có thể hơn vì không phải ai cũng đi viện, nhưng thảm cảnh ung thư diễn ra khắp cả nước, khiến nó là mối lo hàng đầu của toàn xã hội.
Gặp giáo sư Liên xong, tôi vào Bệnh viện K Trung ương khảo sát, và hình ảnh 8 bệnh nhân chung một giường bệnh trong mùa hè oi bức, với những cái đầu trọc lốc, những đôi mắt đờ đẫn, khiến tôi ám ảnh đến giờ.
Bao năm qua, tôi đi qua những ngôi làng nghề ô nhiễm, những khu công nghiệp, những khóm dân cư cạnh nhà máy thải độc hại, và mang trong mình những ám ảnh nặng nề về những con số chết ung thư, những bàn thờ khói hương lạnh lẽo.
Thế nên, cứ có phương thuốc gì mới, có loại thảo dược đặc biệt, hay đề tài khoa học liên quan đến bệnh K, tôi lại háo hức tìm hiểu, để rồi phần nhiều thất vọng. Bước tiến trong điều trị ung thư không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới thật chậm chạp.
Bệnh viện đa khoa Phú Thọ là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư.
Mới đây, nghe một bác sĩ nói về Hệ thống trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư xuất hiện ở Việt Nam, tôi hết sức ngạc nhiên. Đất nước lạc hậu đủ đường, nhất là y học, mà lại có thứ cứ như trong phim viễn tưởng, đúng là khó tin, nên phải tìm hiểu ngay. Càng lạ hơn, “bác sĩ nhân tạo” ấy, lại xuất hiện ở bệnh viện cấp tỉnh, miền trung du đồi chè nương cọ.
Trung tâm Ung bướu là tòa nhà cao tầng đẹp nhất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Hành lang rộng rãi, sạch sẽ, ánh sáng tràn ngập khắp nơi, thật khác xa với cảnh tượng thường thấy ở bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thư dẫn tôi đến căn phòng sạch sẽ, nơi chỉ có hai vợ chồng người bệnh Đàm Thị Hạnh (quê Phúc Yên, Vĩnh Phúc) lưu trú. Anh chồng ngồi bên xoa bóp cho người bạn đời. Nhìn chị Hạnh, 50 tuổi, với nước da căng mọng, miệng cười rất tươi, thật khó tin chị bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối.
Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh bên chị Đàm Thị Hạnh. Thật khó tin khi người phụ nữ này vẫn sống khỏe khi đã ung thư phổi giai đoạn cuối.
Ung thư phổi cũng là sát thủ số 1 với con người. Tôi đã chứng kiến không ít người thân, từ lúc phát hiện ung thư phổi, đến lúc chết chỉ trong vài tháng. Thậm chí, một tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành về nam học, rất khỏe mạnh, từ khi phát hiện ung thư phổi, đến lúc về đất mẹ tròn 20 ngày. Khó có căn bệnh nào tàn khốc như ung thư phổi. Bệnh nhân suy sụp rất nhanh, chỉ vài hôm thân thể như người của nạn đói năm 1945 và cái chết trong đau đớn sẽ kết thúc thảm kịch. Nhiều gia đình phải nhờ vả thầy bà đến tụng kinh hộ niệm, với mong muốn người bệnh được giải thoát sớm. Ấy vậy mà chị Đàm Thị Hạnh vẫn sống khỏe, dù phát hiện K phổi di căn giai đoạn cuối từ năm 2015, cũng là chuyện lạ.
Theo lời chị Hạnh, tháng 10/2015, chị thấy khó thở, ho ra đờm nhiều. Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên chụp phổi, rồi chuyển ngay chị xuống Hà Nội điều trị. Các bác sĩ kết luận chị bị ung thư phổi giai đoạn 4. Suốt hơn hai năm trời chị được truyền hóa chất, sử dụng các loại thuốc tốt nhất, sức khỏe mỗi ngày kém đi, nhưng sự sống sót của chị kéo dài đến bây giờ cũng là điều kỳ diệu.
Phim chụp phổi bệnh nhân Đàm Thị Hạnh ngày 8/3/2018 trước khi điều trị: Các khối u lan tràn hai phổi, bệnh nhân không thể nằm để chụp phim cắt lớp vi tính do khó thở.
Phim chụp phổ chị Đàm Thị Hạnh sau 1 tháng điều trị, các khối u đã tan gần hết.
Phim chụp cắt lớp vi tính phổi bệnh nhân Đàm Thị Hạnh sau 1 tháng điều trị: Các khối u nhỏ đã tan hết, khối u lớn ở phổi phải tan 1 phần, hoại tử ở trong.
Đầu năm 2018, chị Hạnh suy kiệt thực sự. Căn bệnh đã di căn vào xương cột sống, xương chậu, khiến chị không đi lại nổi. Nằm hoặc ngồi một chỗ, thì chị vẫn thở được, nhưng cố đứng lên đi lại là như bị tắc hơi. Chị phải dùng đến biệt dược giảm đau mạnh gấp hàng chục lần morphin.
Nghe kể về Hệ thống hỗ trợ điều trị ung thư nhân tạo ở Phú Thọ, chị không hiểu lắm, nhưng gia đình có điều kiện, nên bảo chồng đưa lên thử.
Ngày 8/3, các bác sĩ Trung tâm Ung bướu Bệnh viện đa khoa Phú Thọ nhập liệu kết quả chẩn đoán vào “hệ thống trí tuệ nhân tạo”, và “bác sĩ ảo” này đã đưa ra phác đồ điều trị mới nhất cho trường hợp của chị: Sử dụng thuốc điều trị trúng đích sinh học thế hệ 3, kết hợp với xạ trị giảm đau xương.
Và, “bác sĩ ảo” ở căn phòng nhỏ trên tầng cao của Trung tâm Ung bướu như thể đã “tái sinh” chị Đàm Thị Hạnh. Chị đáp ứng thuốc rất tốt và sức khỏe hồi phục rất nhanh. “Dùng thuốc theo phác đồ mới, tôi có cảm giác như được hồi sinh. Từ chỗ không đi nổi, đau nhức khắp xương, giờ tôi có thể đi lại sinh hoạt thoải mái mà không bị khó thở như trước nữa và đặc biệt là hiện tại tôi không còn phải dùng bất cứ thuốc giảm đau gì. Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối mà sống được đến giờ này cũng là kỳ diệu rồi, nhưng tôi có niềm tin rất lớn” – chị Hạnh tâm sự, mà nụ cười tươi rói trên môi.
Tôi đang lang thang dọc hành lang yên tĩnh và sạch sẽ của Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thì gặp chị Nguyễn Thị Bích Loan, 46 tuổi, quê ở xã Văn Lang (Hạ Hòa, Phú Thọ). Nhìn chị Loan, có thể nhận ngay ra đó là một bệnh nhân ung thư đã hóa trị, với cái đầu quấn khăn lộ trán lưa thưa tóc. Tuy nhiên, ánh mắt và nụ cười lại ánh lên niềm hy vọng, chứ không thấy nước mắt trong câu chuyện bi thảm đời mình.
7 tháng trước, sờ lên ngực mình, thấy khối u to như quả trứng vịt, chị mới chịu về Hà Nội thăm khám. Kết quả, chị bị ung thư vú giai đoạn 3, đã di căn đến hạch. Đang lúc lăn tăn, thì nghe tin về một người trong huyện, cũng bị ung thư, đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, được chăm sóc bởi “bác sĩ nhân tạo”, nên chị Loan đã về Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị.
Chị Nguyễn Thị Bích Loan bị ung thư vú giai đoạn 3 nhưng rất lạc quan vì được điều trị theo phương pháp hiện đại nhất.
Các bác sĩ đã sử dụng các kết quả khám bệnh của chị ở Hà Nội nhập vào “Hệ thống trí tuệ nhân tạo” và chỉ vài phút sau, cả chục phương án điều trị hiện ra trên màn hình lớn, để chị cùng người thân bàn bạc với các bác sĩ lựa chọn phương án điều trị tối ưu, tiết kiệm nhất.
Sau khi hội chẩn, thì phương án điều trị cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 3 này đã được lựa chọn theo lời khuyên của “bác sĩ ảo”, và tiến hành các bước như sau: Truyền hóa chất 8 lần, liều dày (tức là mỗi chu kỳ cách nhau 2 tuần). Kết thúc hóa trị sẽ tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật xong sẽ xạ trị. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị nội tiết trong 5 năm. “Bác sĩ nhân tạo” cũng đánh giá kết quả khỏi bệnh đạt đến 80-90%.
Mặc dù chị Loan mới qua 2 chu kỳ hóa trị nhưng các khối u hạch sát nách đã nhỏ lại, kích thước khối u tại vú giảm kích thước từ 6cm còn lại 2cm. Với phương pháp điều trị này, chị Loan không chỉ khỏi bệnh, mà có thể phẫu thuật bảo tồn vú.
“Lúc đầu, tôi hoang mang lắm, và cũng xác định sớm về với ông bà tổ tiên, để lại cho chồng con đống nợ. Tuy nhiên, giờ thì tôi yên tâm lắm. Tỷ lệ chết có khi khó hơn cả trúng lô đề” – chị Loan vui vẻ ví von khi chia tay chúng tôi.
Còn tiếp…
Bài tới: Tận mắt căn phòng "bác sĩ ảo" điều trị ung thư
(Nguồn: VTCNEWS)
Tin khác
- Vietmed tài trợ Hội nghị Gây mê Hồi sức toàn quốc năm 2017
- Vietmed tổng kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm
- Vietmed tổ chức tập huấn tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Thin-Pas
- Vietmed tổ chức chương trình tập huấn sản phẩm Mindray
- Vietmed khai trương Văn phòng Quảng Ninh
- Vietmed tham gia Tài trợ cho Hội nghị khoa học Gây Mê Hồi Sức toàn quốc năm 2016
- Vietmed độc quyền bộ đặt nội khí GlideScope
- Vietmed tham gia triển lãm Medipharm 2016
- Hội nghị khoa học tiêu hóa toàn quốc lần thứ 21
- Vietmed tham gia tổ chức hội thảo siêu âm tim mạch tại bệnh viện Bạch Mai